A. Tâm lý học? Chúng ta đều không phải những cỗ máy
Trời xanh, mây trắng, nắng vàng. Có bao giờ bạn tự hỏi, tại sao tâm trạng lại tốt hơn khi chứng kiến những điều trên? Đó chính là cách mà triết học hoạt động: “Thinking about things”. Nhưng xin đừng hiểu nhầm, mục tiêu của bài viết này không phải là luận về những khái niệm trừu tượng như thế, mà đánh vào một góc nhìn trực quan hơn nhiều – Tâm lý học.
Tâm lý học – một môn khoa học. Về bạn, về tôi, về xã hội. Nằm ở giao lộ của sinh học, triết học, xã hội học, y học, nhân chủng học và thậm chí là … Trí tuệ nhân tạo. Tâm lý học được thai nghén từ thuở bình minh của triết học và dùng để lý giải hành vi của con người. Nó có mối tương quan vô cùng lớn đến những khía cạnh tưởng chừng vô hình nhưng cũng gần gũi với chúng ta. Nó nói cho chúng ta biết về bạn bè, người thân, đồng nghiệp hay các nguyên thủ quốc gia và trong đó bao gồm cả chính chúng ta nữa. Trong một xã hội đầy rẫy sự cám dỗ của chủ nghĩa khoái lạc, và con người đôi khi đứng giữa các nhu cầu và buộc phải lựa chọn, việc có một góc nhìn khách quan về cuộc sống thông qua việc nắm bắt tâm lý, có thể dẫn dắt ta đến với một sự tự nhận thức cao hơn về chính những suy tư và hành vi của bản thân, qua đó đảm bảo một lối sống khoa học và lành mạnh.
Về bạn, bạn tin rằng bạn hiểu rõ quy luật của cuộc sống, nhưng sự thật là chúng ta hầu như chẳng biết gì. Trong suốt cuộc đời bạn tự tạo nên những quan điểm, tự xâu chuỗi nên một câu chuyện, tự tìm kiếm lý do cho hành động của bản thân như một gã đạo diễn, nhà văn, nhà soạn kịch tài ba. Và tất cả dẫn đến việc bạn đang ở đây, đọc bài viết này, lắng nghe tôi nói tại thời điểm này.
Nhìn một cách tổng thể thì, mọi thứ có vẻ rất thật, rất logic, cho đến khi những thắc mắc đầu tiên xuất hiện: “Ơ, mình nhớ mình để chìa khóa xe ở đây mà?” và “Ơ, tại sao mọi người thích Iphone 14 hơn 13 mặc dù chẳng có tính năng mới nào nổi bật?”. Hay sâu sắc hơn như “tôi là ai?”, “tại sao tôi lại chọn học IT thay vì marketing?”. Trả lời được những câu hỏi đó không biến bạn trở thành một triết gia, nhưng có thể khiến bạn hiểu bản thân rõ hơn. Hiểu được bản thân có nghĩa là làm chủ được hành động của mình, làm chủ được hành động nghĩa là làm chủ cuộc đời mình, góp phần xây dựng lối sống tích cực, một tâm trí “lặng” và một cuộc đời an nhiên.
Dù cho con người là một sinh vật thiếu nhất quán và đầy sự tự mâu thuẫn, chúng ta vẫn luôn có cách để làm mọi thứ trở lên logic bởi điều đó giúp thuận tiện hơn cho việc tư duy, tuy vậy nó cũng không hề tồi tệ như bạn tưởng đâu, tích cực mà nói, đó cũng là cách tìm ra sự bình thản và giảm bớt những lo âu. Tuy nhiên, việc để những huyễn hoặc như vậy chi phối, về lâu dài sẽ khiến bạn “lạc lối” trong việc phác họa chính bản thân mình, tìm ra cái tôi và chốn an bình thực sự.
B. Tâm lý học đời sống
Không phải ai cũng để ý thứ vừa vô hình lại trông có vẻ hiển nhiên hiện hữu trong cuộc sống hằng ngày vốn luôn bận rộn và đầy tác nhân làm phân tán sự chú ý. Và trong lịch sử cũng thế thôi, cũng chung một bầu không khí đó cho đến khi người sống đầu tiên bắt đầu đặt câu hỏi về sự tồn tại của bản thân, về vật chất này, vân vân… Và từ đó con người phát minh ra tâm lý học.
Có thể nói tâm lý học hiện hữu khắp nơi trong cuộc sống xã hội của chúng ta. Điển hình như: “thiên kiến xác nhận”. Bạn vẫn tưởng ý kiến cá nhân và đúc kết của một sự quan sát và phân tích khách quan, trong khi thực chất chính cái cách gọi “quan điểm cá nhân” đã mang tính chủ quan. Một ví dụ đơn giản của thiên kiến xác nhận là bạn bị chi phối bởi tư duy cá nhân và bỏ mặc tính khách quan, bạn sẽ nhìn thế giới với một lăng kính được lọc bởi các tiêu chuẩn phục vụ cho sự thuận tiện trong việc tư duy của bản thân.
Một nghiên cứu đáng tin cậy tại bang Ohio – Hoa Kỳ vào năm 2009 cho thấy người ta có thể đọc một bài luận lâu hơn 36% nếu bài luận đó có cùng quan điểm với họ. Trong khoa học – con người tiến gần hơn tới sự thật bằng cách chứng minh bằng phản đề – tức là những điều trái ngược, điển hình cho lối tư duy biện luận. Để phục vụ cuộc sống của bản thân thì có lẽ lối tư duy này nên được áp dụng cho các quan điểm cá nhân của chúng ta trong cuộc sống hằng ngày từ giờ.
C. Lời kết
Tâm lý học không chỉ là một môn khoa học, mà còn là một lăng kính giúp mọi người nhìn nhận thế giới và chính bản thân mình một cách rõ ràng hơn. Nó không đưa ra câu trả lời tuyệt đối, nhưng cung cấp công cụ để chất vấn, suy ngẫm và điều chỉnh nhận thức sao cho phù hợp với thực tế.
Suy cho cùng, hiểu về tâm lý không phải để trở thành một người đọc vị cảm xúc hay thao túng suy nghĩ của người khác, mà là để sống một cuộc đời ý thức hơn. Khi hiểu rằng tư duy có thể bị chi phối bởi thiên kiến, con người sẽ cởi mở hơn với quan điểm mới. Khi nhận ra rằng hành động đôi khi bị dẫn dắt bởi cảm xúc thay vì lý trí, mỗi người sẽ học cách kiểm soát và đưa ra quyết định tốt hơn.
Tâm lý học, dù rộng lớn đến đâu, cũng quy về một mục tiêu cốt lõi: giúp con người hiểu mình, hiểu người, và từ đó sống một cuộc đời cân bằng, tỉnh thức hơn. Và có lẽ, trong một thế giới ngày càng phức tạp, đó chính là điều thực sự cần thiết.
Để lại một bình luận